3 kịch bản
Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho biết, tính đến tháng 11/2014, thị trường bất động sản Hà Nội có khoảng 10.000 giao dịch thành công, tăng gấp đôi so với cùng kỳ 2013; tại TP. HCM có hơn 8.000 giao dịch thành công, tăng hơn 30% so với cùng kỳ. Lượng hàng tồn kho giảm hơn 50.000 tỷ đồng, tương đương giảm hơn 30% so với cùng kỳ 2013.
“Thị trường bất động sản đã tăng trưởng rõ nét, chứ không còn là có dấu hiệu phục hồi”, ông Nam nói và nhận định, thị trường sẽ tăng trưởng tốt vào khoảng quý II/2015.
Dù đồng tình với ý kiến trên, ông Trần Kim Chung đến từ Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nói thêm, các dự án bất động sản hiện đã được cơ cấu lại nhưng chưa đạt kết quả như mong muốn; số lượng giao dịch tăng nhưng chưa rõ nét ở nhiều phân khúc; tín hiệu tốt nhất là giá bất động sản không còn giảm, thậm chí ở một số phân khúc có xu hướng tăng.
Theo đó, ông Chung đưa ra 3 kịch bản cho thị trường bất động sản Việt Nam từ nay đến giữa năm 2015. Kịch bản 1: thị trường tái phục hồi với việc các dự án được hoàn thành và đưa vào vận hành, dự án dang dở tiếp tục được triển khai, giao dịch diễn ra sôi động; Kịch bản 2: chỉ những dự án hoàn thành mới có giao dịch, chỉ có số ít doanh nghiệp có tiềm lực để triển khai dự án, giao dịch chỉ tốt tại những dự án đã hoàn thành và gần trung tâm, điểm tích cực là một số doanh nghiệp mới có năng lực xuất hiện; Kịch bản thứ 3: thị trường tiếp tục bị o ép, chỉ có giao dịch ở những dự án đã hoàn thành, trong khi các doanh nghiệp tiếp tục tìm cách thoái vốn, ra khỏi thị trường.
“Thị trường có xu hướng tốt lên, nhưng phải đến quý II hoặc quý III/2015, giao dịch nhà đất mới có thêm xung lực mới để tăng trưởng như tác động của PPP, kinh tế thế giới ổn định, dòng tiền được khơi thông do Luật Nhà ở nới lỏng điêfều kiện cho phép đối tượng nước ngoài được mua nhà tại Việt Nam…”, ông Chung nhận định.
Giải pháp thực hiện
Cùng với nhận định thị trường bất động sản sẽ ngày càng ấm lên, các đại biểu đã đưa ra nhiều góp ý về giải pháp phát triển thị trường này.
Ông Trần Thọ Đạt, Hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, thị trường bất động sản năm 2014 đã có những dấu hiệu phục hồi, hứa hẹn nhiều cơ hội kinh doanh cho các doanh nghiệp trong ngành khi bước sang năm 2015 và những năm tiếp theo. Theo ông Đạt, để nắm bắt cơ hội này, các doanh nghiệp bất động sản trước hết phải tái cơ cấu và cân đối lại nguồn vốn, danh mục đầu tư, kết hợp với sự hỗ trợ của Nhà nước và xu hướng phát triển của thị trường, nhằm chuyển hướng sang các phân khúc có khả năng hấp thụ cao.
TS. Hoàng Văn Cường, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cũng cho rằng, những dấu hiệu phục hồi và tăng trưởng của nền kinh tế trong năm 2015 sẽ là trợ lực tin cậy cho sự phục hồi của thị trường bất động sản. Theo ông Cường, tuy không có sự bùng phát nhanh chóng ngay sau khi phục hồi như những giai đoạn trước, nhưng các khó khăn về tồn kho bất động sản sẽ có cơ hội được giải quyết, trước hết ở những khu vực có tiềm năng phát triển trong ngắn hạn.
“Cần nới lỏng nguồn vốn tín dụng với chi phí vốn hợp lý, hỗ trợ trực tiếp cho chủ đầu tư các dự án có sản phẩm dở dang hoàn thiện để đưa sản phẩm ra thị trường”, ông Cường đề xuất.
Đồng quan điểm, ông Chung cho rằng, giải pháp lớn nhất là cần tạo dòng vốn vận hành vào thị trường. Hai là ban hành chính sách về hệ thống thế chấp thứ cấp, chính sách về ngân hàng tiết kiệm nhà ở và về quỹ đầu tư tín thác bất động sản. Cuối cùng là cần thúc đẩy các bên liên quan nỗ lực giải ngân gói 30.000 tỷ đồng.
“Cần gỡ bỏ những rào cản về thủ tục hành chính như quy định về chia nhỏ căn hộ, điều chỉnh giá đất theo hướng giảm, chậm nộp tiền sử dụng đất, đồng thời tăng cường các giải pháp về minh bạch thị trường”, ông Chung nói.